Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Tổ Quốc nhìn từ biển



Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển 
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa 
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển 
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc 
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn 
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả 
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển 
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng 
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa 
Trong hồn người có ngọn sóng nào không

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo 
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về 
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất 
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể 
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù 
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ 
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích 
Những đau thương trận mạc đã qua rồi 
Bao dáng núi còn mang hình góa phụ 
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa 
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông 
Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử 
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo 
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn 
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy 
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả 
Những chàng trai ra đảo đã quên mình 
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước 
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát 
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời 
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất 
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

Nguyễn Việt Chiến
Bài đã được xuất bản.: 30/05/2011 07:30 GMT+7 trên tuanvietnam.net

Thiêng liêng hai chữ “đồng bào”

          Tuoitre.vn - Ngày 2-9-1945, người dân Việt Nam thời hiện đại được nghe ngân nga hai chữ “đồng bào” từ quảng trường Ba Đình lịch sử: “Hỡi đồng bào cả nước, tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
          Từ lời hiệu triệu tha thiết, nồng ấm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai tiếng “đồng bào” càng trở nên thiêng liêng với tất cả những người dân Việt.

          Thế nhưng, gần đây, hai tiếng “đồng bào” dường như đang bị một số phương tiện thông tin đại chúng lạm dụng và từ đó một số forum (diễn đàn) lại sử dụng sai từ này. Ví dụ tham khảo: tờ Tuổi Trẻ cũng từng giật tít to: Cựu tổng thống Hàn Quốc xin lỗi đồng bào. Hoặc trong một bản dịch khác có chi tiết: “Năm 1984, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã suýt gây ra cuộc chiến tranh với Nga khi nói vào micro để kiểm tra âm thanh: “Hỡi đồng bào, tôi rất vui mừng được thông báo rằng...”.
          Trong nhiều bản dịch, tôi thấy từ "quốc dân", "nhân dân", "người dân"... nói chung đã bị dịch ép thành "đồng bào" như thế. Bạn đọc vào công cụ tìm kiếm Google có thể tìm được hàng chục, thậm chí hàng trăm trường hợp từ đồng bào được vận dụng không hợp lý.
          Cho dù “đồng bào” không phải là một từ thuần Việt nhưng tìm trong nhiều tài liệu, tôi không thấy dân tộc nào có truyền thuyết “trăm trứng nở trăm con” như người Việt ta cả.
          “Đồng bào bởi thế là một từ đặc sắc, rất đỗi tự hào chỉ của người dân Việt - những người "cùng bọc trứng". Nhìn rộng hơn, chúng ta có cái "nghĩa đồng bào”. Nghĩa tình đó là vốn liếng, là sức mạnh để chúng ta chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù.
          Giữ lấy nước, cũng là giữ lấy cái nghĩa đồng bào, giữ lấy sự trong sạch, độc đáo trong hai chữ thiêng liêng ấy. Hai chữ ấy không thể chia sẻ, không thể cho không người khác, bởi đó là ruột rà, bởi ông cha ta đã truyền dạy như thế - dù miền ngược, miền xuôi, dù trên rừng, dưới biển, dù ở xa hay ở gần, người Việt nào cũng có tổ tiên được sinh ra từ bọc trứng Âu Cơ.
CHÂU ANH DŨNG (chauanhdung77@...)

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Bạn có thích điện thoại di động hơn giấc ngủ?! Không chỉ có bạn như vậy!

     Sự ám ảnh với smartphone của chúng ta đã phát triển thành cơn nghiện, theo khảo sát mới nhất được đưa ra trong báo cáo của iPass. Theo iPass, cứ 3 người lao động sử dụng di động thì có một người thường thức suốt đêm để check mail trên điện thoại di động, và gần một nửa số người được khảo sát thừa nhận rằng họ không thể ngủ được nếu không có một chiếc smartphone trong tầm tay.

    Và việc mất ngủ không phải là trở ngại duy nhất mà điện thoại di động của chúng ta mang lại, như gần một phần ba số người được hỏi cho rằng người thân của họ đã cảm thấy khó chịu với việc sử dụng thiết bị công nghệ không ngừng của họ. Con số này có thể thấp hơn thực tế, vì có thể có một số lượng lớn người được khảo sát là độc thân, hoặc phần nào không để ý đến sự khó chịu của người thân trong khi sử dụng thiết bị.
     Báo cáo cho rằng nỗi ám ảnh điện thoại của chúng ta, ít nhất là trong lực lượng lao động, bắt nguồn khi con người bắt đầu tăng tốc dể đạt hiệu quả cao trong công việc. Trong nhiều nhóm làm việc, nhân viên với các phản ứng đầu tiên được xem là một nhân viên làm việc tốt hơn các đồng nghiệp. Theo như khảo sát, 40 phần trăm số người được hỏi đã thừa nhận rằng họ có thể gián đoạn một cuộc họp để thực hiện một cuộc gọi.
    Ngay cả chúng ta, những người không sống theo lối sống Mỹ cũng biết rằng sẽ khó chịu thế nào nếu cố gắng trò chuyện với một người nào đó mà ưu tiên của họ là trả lời tin nhắn điện thoại. Và thật buồn cười rằng, cùng với 40 phần trăm số người được hỏi là có thể gián đoạn một cuộc họp để thực hiện một cuộc gọi trên, là 40 phần trăm khác đồng ý rằng đó là hành vi không thể chấp nhận.
Jordan Crook  (mobilecrunch.com)

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Tạm biệt tuổi học trò!


Những dòng lưu bút nắn nót, máy bay giấy gửi gắm ước mơ, giọt nước mắt lăn dài trên má, phút tinh nghịch lần cuối trên sân trường... là hình ảnh lễ bế giảng năm học của học sinh lớp 12 ở Hà Nội.


Lễ bế giảng năm học 2010 - 2011 và chia tay các em học sinh lớp 12 tại trường THPT Chu Văn An sáng nay.
Các nữ sinh với áo dài trắng tinh khôi, trang điểm xinh xắn tạo dáng trước ống kính.
Chia sẻ tâm sự và một cái ôm trìu mến của bạn nữ với bạn nam.
Cả những người bạn khác trường cũng đến chia vui đầy thân ái.
Những dòng lưu bút và những tấm ảnh kỷ niệm cuộc đời học sinh được trao gửi.
Người mơ màng suy tư, người mải miết in chữ trên áo bạn.
Những phút tinh nghịch lần cuối ở mái trường thân yêu.
Ném máy bay giấy kèm theo những lời nhắn gửi cho tương lai.
"Vững bước nhé và đừng bao giờ quên..."
Bài hát "Mong ước kỷ niệm xưa" vang lên trên sân trường, giọt nước mắt liền lăn trào ngay cả từ các bạn nam.
Còn các cô học trò cứ ôm nhau lặng đi, để tận hưởng giây phút khó quên này. Chỉ thời gian ngắn nữa, nhiều bạn trong số này sẽ bước tiếp vào cuộc đời sinh viên.
Khánh Huyền (vnexpress.net)

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Nút "Like" của Facebook theo dõi người dùng - Nhịp Sống Số - Tuổi Trẻ Online

TTO - Người dùng thường nhấn nút “Like” trên Facebook hoặc “Tweet” trên Twitter như hình thức chia sẻ thông tin/ý kiến với bạn bè. Nhưng mới đây người ta phát hiện Facebook cũng như Twitter đã lợi dụng nút bấm này để thu thập dữ liệu về những thông tin người dùng tìm kiếm, hoặc trang web họ ghé thăm.
Facebook và những mạng xã hội khác nói họ không dùng công cụ của mình để theo dõi người dùng - Ảnh minh họa: Wall Street Journal
Các nút này còn được gọi là “social-widget” (công cụ xã hội), xuất hiện phía trên những bài viết đăng trên các trang tin tức, hoặc phía dưới sản phẩm của những trang bán lẻ, bị phát hiện tự động báo về cho Facebook và Twitter biết có người ghé thăm những trang web trên, ngay cả khi họ không bấm vào những nút này. Đây là kết quả từ cuộc nghiên cứu của tờ Wall Street Journal.
Cũng theo Wall Street Journal, số lượng những widget này vô cùng nhiều. Chúng đã xuất hiện trên hàng triệu trang web chỉ trong năm ngoái (2010). Riêng nút “Like” của Facebook đã có mặt trên 1/3 trong danh sách tổng số 1.000 trang web có lượng truy cập nhiều nhất thế giới. Những nút của Twitter và Google có tần suất hiện diện trên những trang nói trên lần lượt là 20% và 25%.
Những nút, hay còn gọi là widget, được tạo ra với mục đích giúp người dùng dễ dàng chia sẻ thông tin với bạn bè và giúp chủ trang web thu hút thêm các truy cập. Tuy nhiên, chúng cũng là “cách đầy tiềm năng để theo dõi người sử dụng Internet”. WSJ cho hay những nút bấm này có khả năng liên kết thói quen lướt web của người sử dụng với hồ sơ mạng xã hội của chính họ, vốn thường kèm theo tên tuổi đầy đủ của những người này.
Tờ WSJ dẫn một ví dụ, Facebook hoặc Twitter biết được khi nào thì người dùng của những mạng xã hội này đọc một bài viết trên MSNBC.com, hoặc đọc một bài blog có nội dung về bệnh trầm cảm nhan đề “Fighting the Darkness”, ngay cả khi người dùng không click vào những nút “Like” hoặc “Tweet” trên những mạng xã hội trên.
Cụ thể, một người chỉ cần đăng nhập vào Facebook hoặc Twitter đúng một lần vào tháng trước, những trang này vẫn tiếp tục thu thập dữ liệu lướt web, thậm chí sau cả khi người này tắt trình duyệt và tắt cả máy tính. Cách duy nhất để thoát khỏi “cặp mắt cú vọ” đáng sợ này là người dùng phải đăng xuất (log-out) một cách dứt khoát khỏi tài khoản mạng xã hội của họ, nghiên cứu của WSJ cho hay.
Trong phản hồi của mình, Facebook, Twitter, Google và những hãng chế tạo widget khác nói họ không hề dùng dữ liệu phản hồi từ những widget để theo dõi người dùng. Facebook phát biểu họ chỉ sử dụng những dữ liệu dạng này cho mục đích quảng cáo đơn thuần, mỗi khi người dùng click chuột vào một widget.
Facebook và Google cho biết họ đã “ẩn danh” (anonymize) những thông tin lướt web, nên sẽ không có chuyện truy ra được hành tung của một người dùng nhất định nào. Facebook nói những dữ liệu nói trên được tự xóa sau 90 ngày, còn Google là hai tuần. Đại diện Facebook và Google cho hay họ dùng những dữ liệu và thông tin này để đo độ hiệu quả của các widgets, giúp các trang web thu hút khách truy cập.
Twitter cho biết họ “không đụng đến” dữ liệu lướt web của người dùng và “xóa những dữ liệu này một cách nhanh chóng”. Người phát ngôn của Twitter cho biết trên lý thuyết, công ty có thể dùng những dữ liệu kể trên để “nghiên cứu những nội dung tốt hơn” cho người dùng trong tương lai.
Bức tranh toàn cảnh minh họa cho phát hiện của WSJ (ảnh minh họa: Wall Street Journal)
Những phát hiện mới nhất về hoạt động của những “social widget” xuất hiện giữa bối cảnh có những lo ngại đang dâng cao về tính bảo mật riêng tư của Internet và người dùng điện thoại thông minh (smartphone).
Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành ít nhất năm nghị quyết liên quan đến quyền riêng tư của người dân, ba trong số đó là cơ chế bảo vệ quyền của người dùng thiết bị di động được tự do mở hoặc tắt tính năng theo dõi theo ý muốn.
THÚY QUỲNH