Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Thư gửi mẹ!

Thư gửi mẹ,
Mẹ thân yêu của con!
“Trời ơi là trời! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế. Anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con: “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ?” .
Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kỳ lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền.
Cách đây 8 năm bệnh viện đã chẩn đoán mẹ bị suy thận mạn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì… Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại Bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.
Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.
Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn: “Mẹ ghét tiền”.
Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần một tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục ngàn, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt.
Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. 8 năm rồi, 8 năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi!”.
Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của Bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ: “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa?”. Mẹ chỉ nói khẽ: “Cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ!”.
Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm ghét đồng tiền vì thế.
Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ…
Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là…
Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn bảo hiểm y tế nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …
Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.
Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.
Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng.
Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
Đứa con ngốc nghếch của mẹ.
Nguyễn Trung Hiếu

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

“Quý tộc Phố Wall” vay 1.200 tỉ USD từ FED - Tuổi Trẻ Online

“Quý tộc Phố Wall” vay 1.200 tỉ USD từ FED - Tuổi Trẻ Online:


TT - Theo điều tra của Bloomberg, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cho các tập đoàn tài chính Phố Wall vay 1.200 tỉ USD vào năm 2008.
Các hóa đơn của 1,2 ngàn tỉ USD sẽ đủ lấp đầy 539 hồ bơi chuẩn Olympic - Ảnh: Patdollard
Chủ tịch FED Ben S. Bernanke cho rằng đây là một trong những nỗ lực nhằm giữ cho nền kinh tế Mỹ không bị suy thoái. Sự suy thoái kinh tế cùng sự sụp đổ của thị trường nhà đất vào năm 2008 đã buộc hai tập đoàn tài chính lớn mạnh nhất là Citigroup và Bank of America vay khẩn cấp 669 tỉ USD, gấp 6 lần doanh thu của hai tập đoàn này. Khoản vay này đã được chia nhỏ thành những gói cứu trợ công trị giá 160 tỉ USD.
Thế nhưng, những khoản cho vay thật sự vẫn còn là một ẩn số cho đến thời điểm hiện tại. Theo dữ liệu mà Bloomberg thu thập được, con nợ lớn nhất của FED là Tập đoàn Morgan Stanley - một trong những thể chế tài chính lớn nhất thế giới - với tổng số tiền vay lên đến 107,3 tỉ USD. Kế đến là Citigroup với 99,5 tỉ USD và Bank of America là 91,4 tỉ USD. Bloomberg cho biết thêm 1.200 tỉ USD cũng là số tiền mà Mỹ đang nợ trên 6,5 triệu khoản vay thế chấp đã quá hạn thanh toán và bị tịch thu. Ông Robert Litan, cựu quan chức Bộ Tư pháp, cho biết “đây là những con số khổng lồ”.
Không chỉ dừng lại ở các tập đoàn tài chính Phố Wall, theo Bloomberg, hầu hết trong tổng số 30 con nợ hàng đầu của FED là thuộc châu Âu. Tiêu biểu như Ngân hàng hoàng gia Scotland (84,5 tỉ USD), Ngân hàng UBS AG của Thụy Sĩ (77,2 tỉ USD)...
Theo số liệu của Bloomberg, tổng số tiền 1.200 tỉ USD cho vay của FED năm 2008 là gấp ba lần thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ năm đó và hơn tổng thu nhập của tất cả các ngân hàng được bảo hiểm của liên bang trong thập niên vừa qua.
ANH THƯ

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Tổ Quốc nhìn từ biển



Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển 
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa 
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển 
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc 
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn 
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả 
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển 
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng 
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa 
Trong hồn người có ngọn sóng nào không

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo 
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về 
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất 
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể 
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù 
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ 
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích 
Những đau thương trận mạc đã qua rồi 
Bao dáng núi còn mang hình góa phụ 
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa 
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông 
Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử 
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo 
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn 
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy 
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả 
Những chàng trai ra đảo đã quên mình 
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước 
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát 
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời 
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất 
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

Nguyễn Việt Chiến
Bài đã được xuất bản.: 30/05/2011 07:30 GMT+7 trên tuanvietnam.net

Thiêng liêng hai chữ “đồng bào”

          Tuoitre.vn - Ngày 2-9-1945, người dân Việt Nam thời hiện đại được nghe ngân nga hai chữ “đồng bào” từ quảng trường Ba Đình lịch sử: “Hỡi đồng bào cả nước, tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
          Từ lời hiệu triệu tha thiết, nồng ấm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai tiếng “đồng bào” càng trở nên thiêng liêng với tất cả những người dân Việt.

          Thế nhưng, gần đây, hai tiếng “đồng bào” dường như đang bị một số phương tiện thông tin đại chúng lạm dụng và từ đó một số forum (diễn đàn) lại sử dụng sai từ này. Ví dụ tham khảo: tờ Tuổi Trẻ cũng từng giật tít to: Cựu tổng thống Hàn Quốc xin lỗi đồng bào. Hoặc trong một bản dịch khác có chi tiết: “Năm 1984, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã suýt gây ra cuộc chiến tranh với Nga khi nói vào micro để kiểm tra âm thanh: “Hỡi đồng bào, tôi rất vui mừng được thông báo rằng...”.
          Trong nhiều bản dịch, tôi thấy từ "quốc dân", "nhân dân", "người dân"... nói chung đã bị dịch ép thành "đồng bào" như thế. Bạn đọc vào công cụ tìm kiếm Google có thể tìm được hàng chục, thậm chí hàng trăm trường hợp từ đồng bào được vận dụng không hợp lý.
          Cho dù “đồng bào” không phải là một từ thuần Việt nhưng tìm trong nhiều tài liệu, tôi không thấy dân tộc nào có truyền thuyết “trăm trứng nở trăm con” như người Việt ta cả.
          “Đồng bào bởi thế là một từ đặc sắc, rất đỗi tự hào chỉ của người dân Việt - những người "cùng bọc trứng". Nhìn rộng hơn, chúng ta có cái "nghĩa đồng bào”. Nghĩa tình đó là vốn liếng, là sức mạnh để chúng ta chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù.
          Giữ lấy nước, cũng là giữ lấy cái nghĩa đồng bào, giữ lấy sự trong sạch, độc đáo trong hai chữ thiêng liêng ấy. Hai chữ ấy không thể chia sẻ, không thể cho không người khác, bởi đó là ruột rà, bởi ông cha ta đã truyền dạy như thế - dù miền ngược, miền xuôi, dù trên rừng, dưới biển, dù ở xa hay ở gần, người Việt nào cũng có tổ tiên được sinh ra từ bọc trứng Âu Cơ.
CHÂU ANH DŨNG (chauanhdung77@...)

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Bạn có thích điện thoại di động hơn giấc ngủ?! Không chỉ có bạn như vậy!

     Sự ám ảnh với smartphone của chúng ta đã phát triển thành cơn nghiện, theo khảo sát mới nhất được đưa ra trong báo cáo của iPass. Theo iPass, cứ 3 người lao động sử dụng di động thì có một người thường thức suốt đêm để check mail trên điện thoại di động, và gần một nửa số người được khảo sát thừa nhận rằng họ không thể ngủ được nếu không có một chiếc smartphone trong tầm tay.

    Và việc mất ngủ không phải là trở ngại duy nhất mà điện thoại di động của chúng ta mang lại, như gần một phần ba số người được hỏi cho rằng người thân của họ đã cảm thấy khó chịu với việc sử dụng thiết bị công nghệ không ngừng của họ. Con số này có thể thấp hơn thực tế, vì có thể có một số lượng lớn người được khảo sát là độc thân, hoặc phần nào không để ý đến sự khó chịu của người thân trong khi sử dụng thiết bị.
     Báo cáo cho rằng nỗi ám ảnh điện thoại của chúng ta, ít nhất là trong lực lượng lao động, bắt nguồn khi con người bắt đầu tăng tốc dể đạt hiệu quả cao trong công việc. Trong nhiều nhóm làm việc, nhân viên với các phản ứng đầu tiên được xem là một nhân viên làm việc tốt hơn các đồng nghiệp. Theo như khảo sát, 40 phần trăm số người được hỏi đã thừa nhận rằng họ có thể gián đoạn một cuộc họp để thực hiện một cuộc gọi.
    Ngay cả chúng ta, những người không sống theo lối sống Mỹ cũng biết rằng sẽ khó chịu thế nào nếu cố gắng trò chuyện với một người nào đó mà ưu tiên của họ là trả lời tin nhắn điện thoại. Và thật buồn cười rằng, cùng với 40 phần trăm số người được hỏi là có thể gián đoạn một cuộc họp để thực hiện một cuộc gọi trên, là 40 phần trăm khác đồng ý rằng đó là hành vi không thể chấp nhận.
Jordan Crook  (mobilecrunch.com)

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Tạm biệt tuổi học trò!


Những dòng lưu bút nắn nót, máy bay giấy gửi gắm ước mơ, giọt nước mắt lăn dài trên má, phút tinh nghịch lần cuối trên sân trường... là hình ảnh lễ bế giảng năm học của học sinh lớp 12 ở Hà Nội.


Lễ bế giảng năm học 2010 - 2011 và chia tay các em học sinh lớp 12 tại trường THPT Chu Văn An sáng nay.
Các nữ sinh với áo dài trắng tinh khôi, trang điểm xinh xắn tạo dáng trước ống kính.
Chia sẻ tâm sự và một cái ôm trìu mến của bạn nữ với bạn nam.
Cả những người bạn khác trường cũng đến chia vui đầy thân ái.
Những dòng lưu bút và những tấm ảnh kỷ niệm cuộc đời học sinh được trao gửi.
Người mơ màng suy tư, người mải miết in chữ trên áo bạn.
Những phút tinh nghịch lần cuối ở mái trường thân yêu.
Ném máy bay giấy kèm theo những lời nhắn gửi cho tương lai.
"Vững bước nhé và đừng bao giờ quên..."
Bài hát "Mong ước kỷ niệm xưa" vang lên trên sân trường, giọt nước mắt liền lăn trào ngay cả từ các bạn nam.
Còn các cô học trò cứ ôm nhau lặng đi, để tận hưởng giây phút khó quên này. Chỉ thời gian ngắn nữa, nhiều bạn trong số này sẽ bước tiếp vào cuộc đời sinh viên.
Khánh Huyền (vnexpress.net)

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Nút "Like" của Facebook theo dõi người dùng - Nhịp Sống Số - Tuổi Trẻ Online

TTO - Người dùng thường nhấn nút “Like” trên Facebook hoặc “Tweet” trên Twitter như hình thức chia sẻ thông tin/ý kiến với bạn bè. Nhưng mới đây người ta phát hiện Facebook cũng như Twitter đã lợi dụng nút bấm này để thu thập dữ liệu về những thông tin người dùng tìm kiếm, hoặc trang web họ ghé thăm.
Facebook và những mạng xã hội khác nói họ không dùng công cụ của mình để theo dõi người dùng - Ảnh minh họa: Wall Street Journal
Các nút này còn được gọi là “social-widget” (công cụ xã hội), xuất hiện phía trên những bài viết đăng trên các trang tin tức, hoặc phía dưới sản phẩm của những trang bán lẻ, bị phát hiện tự động báo về cho Facebook và Twitter biết có người ghé thăm những trang web trên, ngay cả khi họ không bấm vào những nút này. Đây là kết quả từ cuộc nghiên cứu của tờ Wall Street Journal.
Cũng theo Wall Street Journal, số lượng những widget này vô cùng nhiều. Chúng đã xuất hiện trên hàng triệu trang web chỉ trong năm ngoái (2010). Riêng nút “Like” của Facebook đã có mặt trên 1/3 trong danh sách tổng số 1.000 trang web có lượng truy cập nhiều nhất thế giới. Những nút của Twitter và Google có tần suất hiện diện trên những trang nói trên lần lượt là 20% và 25%.
Những nút, hay còn gọi là widget, được tạo ra với mục đích giúp người dùng dễ dàng chia sẻ thông tin với bạn bè và giúp chủ trang web thu hút thêm các truy cập. Tuy nhiên, chúng cũng là “cách đầy tiềm năng để theo dõi người sử dụng Internet”. WSJ cho hay những nút bấm này có khả năng liên kết thói quen lướt web của người sử dụng với hồ sơ mạng xã hội của chính họ, vốn thường kèm theo tên tuổi đầy đủ của những người này.
Tờ WSJ dẫn một ví dụ, Facebook hoặc Twitter biết được khi nào thì người dùng của những mạng xã hội này đọc một bài viết trên MSNBC.com, hoặc đọc một bài blog có nội dung về bệnh trầm cảm nhan đề “Fighting the Darkness”, ngay cả khi người dùng không click vào những nút “Like” hoặc “Tweet” trên những mạng xã hội trên.
Cụ thể, một người chỉ cần đăng nhập vào Facebook hoặc Twitter đúng một lần vào tháng trước, những trang này vẫn tiếp tục thu thập dữ liệu lướt web, thậm chí sau cả khi người này tắt trình duyệt và tắt cả máy tính. Cách duy nhất để thoát khỏi “cặp mắt cú vọ” đáng sợ này là người dùng phải đăng xuất (log-out) một cách dứt khoát khỏi tài khoản mạng xã hội của họ, nghiên cứu của WSJ cho hay.
Trong phản hồi của mình, Facebook, Twitter, Google và những hãng chế tạo widget khác nói họ không hề dùng dữ liệu phản hồi từ những widget để theo dõi người dùng. Facebook phát biểu họ chỉ sử dụng những dữ liệu dạng này cho mục đích quảng cáo đơn thuần, mỗi khi người dùng click chuột vào một widget.
Facebook và Google cho biết họ đã “ẩn danh” (anonymize) những thông tin lướt web, nên sẽ không có chuyện truy ra được hành tung của một người dùng nhất định nào. Facebook nói những dữ liệu nói trên được tự xóa sau 90 ngày, còn Google là hai tuần. Đại diện Facebook và Google cho hay họ dùng những dữ liệu và thông tin này để đo độ hiệu quả của các widgets, giúp các trang web thu hút khách truy cập.
Twitter cho biết họ “không đụng đến” dữ liệu lướt web của người dùng và “xóa những dữ liệu này một cách nhanh chóng”. Người phát ngôn của Twitter cho biết trên lý thuyết, công ty có thể dùng những dữ liệu kể trên để “nghiên cứu những nội dung tốt hơn” cho người dùng trong tương lai.
Bức tranh toàn cảnh minh họa cho phát hiện của WSJ (ảnh minh họa: Wall Street Journal)
Những phát hiện mới nhất về hoạt động của những “social widget” xuất hiện giữa bối cảnh có những lo ngại đang dâng cao về tính bảo mật riêng tư của Internet và người dùng điện thoại thông minh (smartphone).
Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành ít nhất năm nghị quyết liên quan đến quyền riêng tư của người dân, ba trong số đó là cơ chế bảo vệ quyền của người dùng thiết bị di động được tự do mở hoặc tắt tính năng theo dõi theo ý muốn.
THÚY QUỲNH

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

“Cảm ơn đời vì hôm nay em vẫn nghèo đủ để không quên người đói”

“Yêu thương hơn mình có thể...”
TT - Một người bạn gửi cho tôi một trang nhật ký điện tử (blog) mà theo anh “dung chứa câu chuyện về một gia đình rất nghèo và rất giàu”. Tôi xem và bất ngờ nhận ra một nhân vật cũ của báo Tuổi Trẻ, cô bé “rất nghèo và rất giàu” hơn 13 năm về trước.
Tổ ấm rất giàu yêu thương của Huỳnh Anh - Lưu Phục Mậu - Ảnh: Gia Tiến
Năm 1997, Huỳnh Anh đạt thành tích đầu đời: đậu một lúc ba trường đại học. Thành tích ấy còn được cộng thêm nhiều điểm nhấn để hình ảnh Huỳnh Anh có thể đọng lại trong tâm trí những người từng biết cô sau nhiều năm: chiếc xe lăn lắc tay đồng hành cùng cô học trò bại liệt suốt ba năm từ quận 8 sang Trường THPT Lê Quý Đôn ở quận 3, TP.HCM; cặp nạng gỗ rong ruổi khắp các ngả đường cùng Huỳnh Anh với xấp vé số và quyển vở trên tay, vừa phụ mẹ lo chuyện cơm gạo, vừa học bài để vẽ tương lai; những câu danh ngôn mà Huỳnh Anh học thuộc để tự động viên mình trong lúc đếm những bước chân nhọc nhằn, giấc mơ tươi hồng không chỉ nằm yên trên trang nhật ký mà long lanh trên đôi mắt. Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ khi ấy, cô bé tự tin quả quyết: “Chặng đường sắp tới em chỉ cần nghị lực”. Nghèo tiền bạc - giàu hi vọng, nghèo sức khỏe - giàu nghị lực là chân dung Huỳnh Anh khi ấy.
Rất nghèo và rất giàu
Năm 2011, Huỳnh Anh đã có một gia đình mà cô gọi là AMF (Anh - Mậu Family) với người chồng cùng cảnh khuyết tật Lưu Phục Mậu và hai cô công chúa nhỏ Thanh Hương - Thanh Mai. AMF vẫn rất nghèo. Một căn phòng chung cư chỉ 14m2, thuê với giá 700.000 đồng/tháng. Một công việc thiết kế web thu nhập theo dự án mà cứ lãnh tiền về là hai vợ chồng lật đật đi mua ngay mấy lon sữa để dành cho con. Một chiếc xe Chaly ba bánh cũ kỹ là phương tiện để Huỳnh Anh làm tài xế đưa cả nhà đi chơi công viên những buổi sáng hiếm hoi. Một hàng tạp hóa nghèo ngay trong nhà chỉ gồm mấy gói mì, chai nước mắm mang hi vọng tăng thu nhập và kiêm cả việc cứu đói ngày chưa... mua gạo. Một “đôi giày” đã rách bươm đi kèm với cái khung sắt cứng quèo bó lấy đôi chân bại liệt mà mỗi lần “đeo giày” vào Huỳnh Anh phải mất 15-30 phút, kèm cả việc thay những dây da đã bị đứt bằng dây nilông...
Thế nhưng AMF cũng rất giàu. Không gian chật hẹp bừa bộn như được giãn rộng ra bởi giọng ríu rít nắc nẻ của bé Hương và bé Mai, tiếng cười vui sướng mãn nguyện của cặp cha mẹ trẻ. Hạnh phúc nhân lên từng ngày qua từng bữa cơm giản dị được Mậu chăm chút bằng đôi tay khòng khoèo, yếu ớt vì di chứng bại liệt. Hai cái nickname gần như luôn sáng đèn để thế giới của Anh và Mậu rộng mở đến vô tận trên Internet, với những website và dự án vì cộng đồng người khuyết tật mà họ là người đưa ý tưởng và trực tiếp thực hiện. Hàng ngàn đêm trắng như Huỳnh Anh viết: “Đêm trắng là đêm ngắn/Đêm của bàn tay trắng/Loay hoay gõ phím đen/Kịp ngày mai giao hàng/Mua sữa cho con bú...”. Và hàng ngàn những san sẻ yêu thương, ủng hộ trên các web, các blog của AMF.
Tài sản của họ là ở đây.
Huỳnh Anh rất vui khi được xem lại bài báo “Mong có đủ nghị lực để vượt qua tất cả” viết về mình trên báo Tuổi Trẻ ngày 23-8-1997. Ngày ấy, cô đã không thể trích 1.200 đồng tiền bán vé số để mua báo mà chỉ đọc ké của một người bán dạo... - Ảnh: Gia Tiến
Ngọn nến niềm tin
Trang  web sanphamcuanguoikhuyettat.com thiết kế như một gian hàng trưng bày, góp phần trong việc tìm kiếm đầu ra cho những sản phẩm thủ công đã được thực hiện bằng ý chí, nghị lực và lòng kiên nhẫn của người khuyết tật. Đây là sản phẩm đầu tay mà Mậu đã đưa ra ý tưởng để Huỳnh Anh thực hiện khi gia đình nhỏ vừa thành hình và cô con gái đầu lòng Thanh Hương vừa được hoài thai. Niềm vui lớn của họ được chia sẻ với cộng đồng người khuyết tật như thế. Duy trì được hơn ba năm, đến nay đã có 17 cơ sở sản xuất của người khuyết tật giới thiệu hàng trăm sản phẩm trên website. Số thu nhập ít ỏi của hai vợ chồng phải nhín nhút ra để duy trì và điều hành web nhưng Mậu vẫn chưa hài lòng. Một dự án bán hàng qua mạng do người khuyết tật đảm trách đang được Mậu xây dựng và “tràn trề hi vọng là nó sẽ phát triển”.
Dự án thứ hai là học bổng “Ngọn nến niềm tin” dành cho học sinh khuyết tật ra đời cùng với cô gái nhỏ Thanh Mai. Câu chuyện về bốn ngọn nến bị gió thổi tắt và ngọn nến mang tên Niềm tin và hi vọng đã vụt sáng lại đầu tiên để thắp lên các ngọn lửa khác được chuyển tải ngay ở trang chủ của website hocbong.sanphamcuanguoikhuyettat.com như là thông điệp của Huỳnh Anh. Cô chia sẻ bằng câu chuyện của chính mình: “Những năm tháng đi học, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhiều người, từ chiếc xe lăn, từ học phí, cuốn sách, tấm áo. Không có sự giúp đỡ ấy, có thể một ngày nào đó tôi đã dừng bước đến trường trong nỗi lo nhà thiếu gạo. Tôi hiểu rõ hơn hết giá trị của hi vọng, động lực của niềm tin nên muốn chia sẻ với các em hơi ấm ấy, như những món quà của cuộc sống mà mình đã được nhận”.
Chưa có tài trợ, chương trình vẫn đường hoàng bắt đầu. Khác với các học bổng thường thấy luôn dành cho những tấm gương học giỏi và vượt khó, Huỳnh Anh không đặt điều kiện về kết quả học tập với đối tượng của mình. Cô nói: “Với các em khuyết tật, nhà nghèo, đến trường đã là cả một nỗ lực lớn. Ngày xưa, tôi cũng không thể có kết quả xuất sắc như mong muốn nhưng chỉ sự cố gắng vượt bậc trong học kỳ 2 của năm lớp 12 đã cho tôi đậu ba trường đại học. Khi vào ĐH dân lập Ngoại ngữ - tin học, thầy hiệu trưởng Huỳnh Thế Cuộc đã kiên nhẫn cho tôi được hưởng học bổng cả bốn năm cho dù giai đoạn đầu kết quả học tập không tốt lắm. Cuối cùng đề án tốt nghiệp của tôi đã đạt điểm 9. Tôi không muốn áp lực phải có kết quả cao để được giúp đỡ sẽ làm nản lòng một em nào, dẫn em ấy đến quyết định bỏ học”.
Thông báo về học bổng được đưa lên mạng, các hồ sơ xin nhận học bổng bắt đầu được gửi tới. Mậu cùng các bạn tình nguyện viên khác trong hội thanh niên khuyết tật thay nhau đi xác minh với kinh phí được xác định tối đa là 50.000 đồng/trường hợp. Huỳnh Anh ráo riết lướt trên thế giới mạng của cô để tìm tài trợ. Hai bác Việt kiều, một chị nhà báo, một luật sư... đã chung tay với Huỳnh Anh. Mỗi suất học bổng khiêm tốn chỉ đúng nghĩa làm một ngọn nến: 500.000 đồng/suất cho học sinh tiểu học, 1 triệu đồng/suất cho học sinh trung học cơ sở, và 1,5 triệu đồng/suất cho học sinh THPT cũng đủ để tốn nhiều mồ hôi. Gần hai năm, ngọn nến niềm tin đã đến với những em học sinh nghèo mang khuyết tật nặng như Nguyễn Hữu Toàn, Lê Thị Liễu ở quận 8, Thảo Nguyên ở quận 6, Đường Thượng Nhân ở quận 9, rồi Nguyễn Trọng ở Nha Trang, Lý Diệp Lan, Cù Thế Lãnh, Nhân Phong Độ, Nhân Quốc Việt ở Cà Mau...
Lật qua tập hồ sơ học bổng mà Mậu lưu giữ cẩn thận trong chiếc cặp cũ, như gặp lại hình ảnh Huỳnh Anh, Lưu Phục Mậu năm nào. Những hình ảnh, những lá thư như đang kể về những bước chân nhọc nhằn, những giọt mồ hôi của nỗ lực, nước mắt của buồn tủi và cũng như cảnh báo rằng những bước chân đến trường ấy có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Một ngọn nến trong đêm, một cái siết tay giữa đường đúng lúc sẽ cần thiết biết bao. Huỳnh Anh bảo cô hiểu điều đó hơn ai hết bằng một nụ cười tinh nghịch: “Cảm ơn đời vì hôm nay em vẫn nghèo đủ để không quên người đói”.
Và những dự án bán hàng qua mạng, website việc làm cho người khuyết tật, câu lạc bộ Trái tim sáng... đang được tiếp tục thành hình từ AMF. Vẫn như ngày mà tôi gặp hơn 13 năm về trước, Huỳnh Anh vẫn thích những câu danh ngôn. Và hôm nay cô đã tự viết ra châm ngôn cho mình: “Hành trang để tôi đi tiếp vạn nẻo đường đời chỉ duy nhất hai chữ: Bỏ lại”. Hỏi, Huỳnh Anh cười hồn nhiên: “Mang theo hết thì nặng lắm, làm sao đi nổi nữa”. Nói vậy, và Huỳnh Anh đã từng dốc túi lấy 50.000 đồng cuối cùng tặng một bà lão bán vé số, rồi lên xe trong nỗi lo sữa của con đã hết, xăng trong bình đã cạn. Huỳnh Anh viết: “Hãy yêu thương hơn ta có thể/ Bởi vì xuân ở chính trong ta...”, và cô đã sống đúng như thế.
“Người đi trước rước người đi sau”
Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, AMF của Huỳnh Anh có một niềm vui mà đến hôm nay cả khu tập thể nhỏ 854 Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM vẫn nhắc: các thầy cô giáo ở Hội cựu giáo chức và cựu học sinh Lê Quý Đôn đã đến tận phòng trọ. Vẫn dõi theo cô học trò ấn tượng năm nào, cô Hà Thị Phương Thịnh, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn xúc động nhắc: “Theo dõi và biết hoàn cảnh Huỳnh Anh rất khó khăn, chúng tôi đến thăm em và mang theo một món quà nhỏ. Căn phòng nhỏ xíu mà Huỳnh Anh rạng rỡ khoe may mắn lắm mới thuê được làm các thầy cô rất xúc động, và còn xúc động hơn khi được biết trong hoàn cảnh như vậy mà vợ chồng em vẫn dành tâm sức để thực hiện câu chúng tôi vẫn dạy học trò “người đi trước rước người đi sau”. Những học trò như Huỳnh Anh là niềm tự hào của Trường Lê Quý Đôn”.
Thầy Huỳnh Thế Cuộc, hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Ngoại ngữ - tin học, cũng tấm tắc khi nghe nhắc đến Huỳnh Anh: “Lần đầu đến thăm nhà Huỳnh Anh, tôi đã cảm nhận rõ cô bé rất nghị lực và trường chúng tôi quyết tâm sẽ giúp em học đến cùng, để có một chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Quá trình học ở trường, Huỳnh Anh đã rất cố gắng dù em vẫn dành nhiều thời gian đi bán vé số. Sau khi ra trường, biết em đã tự tạo được công ăn việc làm, tự xây dựng được hạnh phúc, lại sẵn lòng chia sẻ với người khác, tôi rất mừng. Những tấm gương như Huỳnh Anh cần được nhân rộng”.
PHẠM VŨ (Tuoitre.vn)