Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Kế hoạch “chấn hưng châu Âu” của Trung Quốc.

     Trung Quốc đang đẩy mạnh quan hệ và đầu tư vào những nước châu Âu có nguy cơ khủng hoảng nợ nhằm tăng ảnh hưởng tại châu lục này.

     Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vừa có chuyến công du gây chú ý tại châu Âu từ ngày 2 - 9.10. Đầu tiên ông đến thăm Hy Lạp, rồi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 8 (ASEM 8) tại Brussels, Bỉ, sau đó thăm Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại hội nghị ASEM 8, ông Ôn kêu gọi EU không tham gia gây áp lực buộc Bắc Kinh điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT).

     Tại Athens, ông Ôn cam kết sẽ mua trái phiếu chính phủ của Hy Lạp khi nước này cần và thành lập quỹ trị giá 5 tỉ USD để hỗ trợ các công ty Hy Lạp mua tàu Trung Quốc. Tại Ý, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và người đồng cấp Silvio Berlusconi nhất trí nâng kim ngạch song phương từ 40 tỉ USD trong năm nay lên 100 tỉ USD vào năm 2015 và cùng chứng kiến các doanh nghiệp 2 nước ký nhiều hợp đồng có tổng trị giá 3,15 tỉ USD. Tại điểm dừng chân cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước.

     Một điều đáng chú ý là cả 3 điểm đến của Thủ tướng Trung Quốc đều đang có vấn đề với EU. Hy Lạp đang chìm trong khủng hoảng nợ còn những điều kiện mà EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế đặt ra để cứu nguy cho nước này lại đang khiến dân chúng bất mãn. Tình hình tài chính ở Ý cũng không sáng sủa trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang bất đồng với EU về việc kết nạp nước này vào khối.
Hai thủ tướng George Papandreou (trái) và Ôn Gia Bảo trước đền Parthenon ở Athens hồi đầu tháng 10 - Ảnh: AFP
Kế hoạch Marshall

      Đây là kế hoạch trọng yếu của Mỹ nhằm tái thiết và tạo nền tảng kinh tế vững chắc cho các nước Tây Âu sau Thế chiến thứ 2. Kế hoạch này có tên chính thức là “Chương trình chấn hưng châu Âu”, nhưng thường được gọi theo tên người khởi xướng là Ngoại trưởng Mỹ George Marshall. Kế hoạch được thực thi trong vòng 4 năm, kể từ 1947. Trong thời gian đó, khoảng 13 tỉ USD tiền viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật được đổ vào các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế châu Âu (OECD), theo sách The Reconstruction of Western Europe, 1945-1951 (Tái thiết Tây Âu 1945-1951), của Alan Milward.


Kế hoạch Marshall kiểu Trung Quốc

     Hy Lạp hiện là thành viên yếu nhất trong nhóm sử dụng đồng tiền chung euro với nợ công chiếm 113% GDP, tương đương gần 300 tỉ euro. Do đó, việc Trung Quốc cam kết mua trái phiếu của Hy Lạp có thể rất cần thiết cho Athens trong thời điểm khó khăn. “Những thỏa thuận và tuyên bố của Trung Quốc được xem là một lá phiếu tín nhiệm cho nền kinh tế chúng tôi”, tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou sau tuyên bố của ông Ôn Gia Bảo tại Athens hôm 3.10.

     Trước đó, Trung Quốc cũng đã mua 400 triệu euro trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha. Hiện Bồ Đào Nha và Ireland, vốn đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng nợ, cũng tính đến việc vay tiền của Trung Quốc, theo hãng tin IPS.

     Chuyên gia kinh tế học Veronique Salze-Lozac'h tại Quỹ Á châu so sánh kế hoạch “cứu nguy” của Trung Quốc cho các nước đang gặp khó khăn ở cựu lục địa với kế hoạch Marshall của Mỹ nhằm chấn hưng châu Âu vào những năm 1940. “Giống như kế hoạch Marshall trong thời điểm sau Thế chiến thứ 2, việc Trung Quốc ngỏ lời giúp Hy Lạp không xuất phát từ lòng nhân từ”, IPS dẫn lời bà Salze-Lozac'h nhận định. Bà nói các động thái của Trung Quốc chung quy là một chiến lược kinh tế tài chính khôn ngoan và khéo léo, có thể giúp đồng NDT thoát khỏi áp lực tăng giá từ EU và Mỹ. Thông qua chiến lược này, ông Ôn Gia Bảo muốn gửi một thông điệp rằng Trung Quốc đang nỗ lực làm thay đổi cái nhìn không tốt của toàn thế giới đối với nước này. Bà Salze-Lozac'h còn nhận định rằng, kế hoạch Marshall kiểu Trung Quốc đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ EU - Trung Quốc. AFP dẫn lời giới phân tích đánh giá việc Trung Quốc tham gia đầu tư vào Hy Lạp là hành động có tính ảnh hưởng sâu rộng nhất của một nước ở châu Âu kể từ Kế hoạch Marshall.

EU quan ngại

     Giới quan sát cho rằng việc nhằm vào Hy Lạp trong lúc khó khăn là một nước cờ cao tay của Trung Quốc nhưng lại là một đòn hiểm đối với EU. Bắc Kinh có thể sử dụng Athens làm cơ sở để vươn xa hơn trên thị trường châu Âu, tới Nam Âu, Đông Âu, Địa Trung Hải hay bán đảo Balkan. Do đó, EU không khỏi lo ngại nguy cơ không chỉ Hy Lạp, mà các thị trường và lĩnh vực kinh doanh khác cũng sẽ bị Trung Quốc chi phối. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, qua Ý rồi tới Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc dường như đang cố xây dựng một “con đường tơ lụa” mới vắt ngang qua châu Âu, tới tận bờ Đại Tây Dương.

     Theo Asia Times Online, nếu để phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác nước ngoài vốn có động cơ không rõ ràng, vị thế của EU trên trường quốc tế sẽ gặp rắc rối. Bằng cách tranh thủ tạo quan hệ với từng quốc gia châu Âu đang mắc nợ, một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “chia để trị” tại châu lục này, vốn chưa tìm được chính sách nhất quán trong quan hệ với Bắc Kinh. “Trung Quốc than phiền rằng giải quyết các vấn đề với châu Âu thật không dễ vì có quá nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên Bắc Kinh cũng đã lợi dụng điểm này để làm lợi cho mình”, ISP dẫn lời một quan chức EU tại Brussels.

                                                                    Văn Khoa ( Thanhnien Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét